Những điều đặc biệt mà ta chưa biết về Nha Trang

Đa số du khách đến với Nha Trang du lịch đều chọn những hình thức là vui chơi giải trí, ngắm  danh lam thắng cảnh…mà ít ai để ý rằng ở Nha Trang cũng có những vùng ngoại ô, làng quê bình dị với những làng nghề truyền thống, cánh đồng quê thanh bình, cảnh sông nước nên thơ và con người nơi đây cũng cực kỳ hiếu khách….và du lịch về miền quê sông nước đang là điểm du lịch mới mà Nha Trang đang khai thác để cho du khách thấy được có một Nha Trang rất lạ không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng…mà bấy lâu nay người ta thường nghỉ tới.

Tàu du lịch đưa du khách ngược dòng sông Cái hiền hòa. Nắng vàng ươm làm sáng bừng những rặng dừa, rặng tre xanh ngắt, mềm mại rủ bóng dọc hai bên bờ. Tàu cập bờ, điểm đến đầu tiên của du khách là một cơ sở làm lò đất nung ở làng gốm Lư Cấm (Ngọc Hiệp, Nha Trang). Trong ánh mắt tò mò của du khách, những người thợ cần mẫn với công việc thường ngày. Từng công đoạn để làm ra chiếc lò đất nung đỏ au được hướng dẫn viên giảng giải với du khách. Hướng dẫn viên còn kể câu chuyện sự tích ông táo, bà táo để du khách hiểu thêm nét văn hóa Á Đông. Nếu muốn, du khách có thể mua một vài chiếc lò về làm kỷ niệm.

veque

 Du khách thử dệt chiếu.

Rời làng gốm Lư Cấm, du khách lên tàu đến với khu dã ngoại làng Cát – hòn Thơm. Một chút mệt vì trời nắng như biến mất khi du khách dừng chân dưới những bóng cây mát rượi để thưởng thức những trái dừa xiêm ngọt và mát lạnh. Chặng tiếp theo của hành trình, con tàu xuyên qua chân cầu gỗ Vĩnh Ngọc, đưa du khách đến với ngôi nhà cổ hơn 200 trăm tuổi của ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh). Ngôi nhà cổ là điểm dừng chân quen thuộc của tour sông Cái cũng như tour đồng quê. Tại đây, hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về kiến trúc và nếp sống của người Việt. So với lần đầu chúng tôi đến đây, không gian ngôi nhà này đã thay đổi nhiều. Bên trong ngôi nhà bày bán nhiều mặt hàng thổ cẩm, tơ lụa và nhiều đồ vật lưu niệm nho nhỏ; một cô gái trẻ cần mẫn bên khung dệt. Tham quan một vòng ngôi nhà, du khách được mời đến những chiếc bàn gỗ lũa để nghỉ ngơi và trò chuyện. Dưới bóng mát những loại cây nhiều năm tuổi, vừa lắng nghe tiếng đàn tranh, đàn bầu réo rắt, du khách thưởng thức nước trà và nếm những loại trái cây nhiệt đới ngon ngọt.

Sau khi khám phá vẻ đẹp của làng quê hai bên bờ sông Cái, bà Flora Jartes (du khách Mỹ) chia sẻ: “Hôm nay, tôi có một ngày thú vị với tour sông nước như thế này. Tôi ngạc nhiên khi được ngắm nhìn nhiều làng quê đẹp trong lòng thành phố. Nghề làm lò đất rất thú vị. Được đến nhiều nơi của Việt Nam, chuyến đi này giúp tôi biết thêm nhiều điều về con người, cuộc sống ở Việt Nam”. Còn ông Robert King (du khách Mỹ) cảm nhận: “Rất tuyệt vời. Nha Trang không chỉ có bãi biển đẹp mà còn có cảnh sông nước nên thơ. Tôi rất yêu thành phố của các bạn”.

veque1

Tham quan chợ quê Vĩnh Ngọc.

Để khám phá làng quê, ngoài tour sông Cái, du khách cũng có thể chọn các tour đồng quê. Điểm đến các tour này thường là những cơ sở làm nghề truyền thống như: dệt chiếu, chằm nón, làm lò đất, đúc đồng, làm bún, làm bánh tráng. Những tour này thường kết hợp với tham quan đình làng, nhà cổ, đồng lúa, vườn rau, chợ quê, trường mẫu giáo… Các tour đồng quê giới thiệu đến du khách hình ảnh miền quê nông thôn Việt Nam với những nghề thủ công truyền thống đang được lưu giữ, những hình ảnh rất mộc mạc về sinh hoạt của người dân địa phương như: con trâu, cái cày, những vườn rau mơn mởn, những cánh đồng lúa vào mùa… Theo chân các vị khách ngoại quốc, chúng tôi bắt gặp sự thích thú của khách khi được vào thăm các bé mẫu giáo hồn nhiên; khi nhìn những người dân quê cần mẫn bên khung dệt chiếu, được thử ngồi vào khung dệt để thấy sự kỳ công khi làm ra chiếc chiếu; hay đội thử chiếc nón lá duyên dáng… Bà Marie France Gratton (du khách Canada) nói: “Người dân luôn nở nụ cười chào đón khi chúng tôi đến. Tôi yêu mến làng quê Việt Nam – nơi tôi được thấy người dân địa phương làm việc mỗi ngày, được thấy chợ bày bán rất nhiều rau quả”.

Leave a Reply