Nhìn từ đỉnh hòn bà
Hòn Bà chưa được nhiều người biết đến, người biết rồi thì ví Hòn Bà giống như một nàng tiên ngủ trong rừng núi quanh năm mây phủ. Nằm gần Nha Trang nóng ấm, nhưng Hòn Bà mát mẻ quanh năm, nên người ta gọi Hòn Bà là “Đà Lạt của thành phố biển”.
Hòn Bà nằm ở phía nam TP. Nha Trang khoảng 30 cây số đường chim bay, nhưng du khách phải đi theo đường bộ khoảng 60 – 70 cây số. Trong đó, chỉ riêng đường lên núi gần 40 cây số. Khoảng gần 2 giờ đi đường từ Nha Trang rời biển xanh, cát trắng, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian khác lạ của núi rừng mù sương. Điểm tô cho màu xanh ngắt của cây cối là những ngôi nhà sàn làm bằng tre lá của người dân tộc. Đi được khoảng 12 cây số, nhiệt độ bắt đầu xuống thấp và vô cùng mát mẻ. Đường dốc quanh co, tạo cảm giác chơi vơi thú vị… Khoảng 4 giờ chiều, sương mù đã giăng kín đỉnh núi và tràn xuống thấp hơn. Đến điểm cuối của con đường nhựa, muốn tới đỉnh núi, du khách bỏ ra khoảng 1 giờ đi bộ theo lối mòn và lên những con dốc thẳng đứng.
Nơi đây rừng ẩm ướt quanh năm. Điều thú vị là khoảng nửa đêm, sương mù sà thấp xuống, để lại phần đỉnh núi một không gian thoáng đãng. Du khách lên đây thường dậy sớm để ngắm bình minh và chiêm ngưỡng sắc trời vào thời điểm giao nhau giữa đêm và ngày. Nhiều người mặc áo ấm, trùm chăn bước ra giữa đất trời mênh mông và cái lạnh buốt trên cao. Khách có cảm giác như đang đứng trên cả mây, bềnh bồng, bềnh bồng. Bình minh nhìn từ đỉnh Hòn Bà chỉ là một vừng đỏ ở phía Đông. 8 giờ sáng, vẫn chưa có một tia nắng nào chiếu vào đỉnh núi. Nhưng ánh sáng đủ để du khách nhìn rõ những đám mây từ phía xa xa ẩn hiện những dãy núi dài, nối tiếp nhau đến ngút ngàn.
Hòn Bà là phần phía Đông của dãy Trường Sơn, nối liền với cao nguyên Lâm Đồng, nên đới khí hậu có phần khác biệt so với Đà Lạt và Nha Trang. Hệ sinh thái nơi đây vô cùng phong phú, với nhiều loài thực vật, động vật đặc chủng. Các nhà khoa học đã ghi nhận được sự tồn tại của khoảng 100 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ.
Hòn Bà đã được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên rộng khoảng 20.000ha. Trong đó, có khoảng 1/2 diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đây từng là nơi bác sĩ Yersin làm việc
Từ khoảng năm 1915, bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin đã đến đây để lập trại, trồng thực nghiệm các giống thuốc bản địa và du nhập từ thế giới. Ông đã cho xây một ngôi nhà sàn gỗ và cải tạo đất đai để trồng các loại thuốc. Trong đó, có thuốc ký sinh chống sốt rét. Sau đó, cây thuốc này được chuyển lên Lâm Đồng. Hiện nay, du khách vẫn có thể nhìn thấy những cây thuốc, cây rừng quý được giữ nguyên, tạo thành một sản phẩm du lịch thiên nhiên thú vị. Hiện ngôi nhà sàn này đã xuống cấp, nên địa phương cho phục dựng lại dựa trên nguyên mẫu ngay trên nền đất cũ. Khi du lịch phát triển, người ta xây dựng thêm một ngôi nhà dài của người Tây Nguyên phục vụ khách lưu trú. Ngôi nhà sàn là khu lưu niệm, trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Alexandre Yersin. Quanh nhà sàn vẫn còn nhiều dấu tích của ông. Bên trái ngôi nhà vẫn còn cây trà cổ thụ do ông trồng. Khách đến đây thường được đãi uống trà, được nấu từ lá trà tươi của cây này. Nước trà xanh và thơm lừng.