Chợ du lịch Bãi Dài – Nha Trang

Bãi Dài

Đi hết con đèo băng qua ngọn núi trên Đại Lộ Nguyễn Tất Thành, rẽ xe vào con đường đát nhỏ chừng vài trăm mét, gặp rất nhiều bãi giữ xe, là bạn đã tới Bãi Dài. Bãi Dài thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Đây là vùng một vùng biển dài gần 9 cây số, ôm vòng cung đẹp, bãi cát trắng mịn, nước nông, quyến rũ lòng người.

bai-Dai

Bãi Dài nổi danh từ khi con đường  Sông Lô – Cù Hin mở ra và sân bay Cam Ranh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30-4-2004. Cũng từ khi con đường được khai thông, tỉnh Khánh Hòa đã có đề án nhằm biến Bãi Dài thành khu du lịch trọng điểm phía nam Khánh Hòa với tổng diện tích đưa vào sử dụng 200 ha. Tại đây sẽ hình thành các khu du lịch 3, 4 sao với những resort đẹp vào hàng bậc nhất của cả nước.

Sáu năm qua, những dự án có nơi mới cày xới, có nơi còn dang dỡ trên giấy, thì nơi đây phồn thịnh thành một chợ du lịch ven bãi biển, một chợ không cần nhà đầu tư, chẳng có hệ thống quản lý, nhưng lượng khách tới đây hàng ngày, nhất là vào dịp lễ, tết, ngày nghĩ là giấc mơ của nhiều khu du lịch có đầu tư.

 Chúng tôi đến Bãi Dài vào lúc 12 giờ trưa của một ngày bình thường. Con đường đất có nhiều hướng rẽ vào các lều che tạm, chẳng ai chặn xe bạn lại nếu bạn đi tiếp, bởi mổi lều che tạm do chủ nhân thuê để giữ xe với giá 3000 ngàn đồng/chiếc. Xe gởi xong, cô giữ xe nói rất hồn nhiên: “Mời anh đi xuống đường này, xuống quán em thì không tính tiền ghế ngồi (sau này mới biết là nếu không ăn uống gì sẽ bị tính 5000 đồng cho một chiếc ghế.

Nếu tính thời gian ghé Bãi Dài của tôi vào lần trước thì đã tròn một năm, nhưng khi bước chân xuống tới nơi, tôi thật sự “choáng” Khi thấy hiện ra một khu phố du lịch, hay gọi là chợ du lịch san sát nhau trên một cây số với cả trăm hàng quán.

 Những hàng quán đều giống nhau với những cây cột bằng cây chống tạm , phía trên phủ lá dừa và tấm nhựa chống mưa. Mỗi quán có một “căn nhà” nhỏ dùng làm nơi chế biến thực phẩm và tính tiền, có cả toa lét dã chiến cho khách khi có yêu cầu. Vài quán lại có một giếng nước nhỏ bằng cách thả nửa ống bi giếng xuống, mạch nước ngọt cứ thế chảy ra, tiện lợi cho việc dùng trong ăn uống. Tất cả các quán đều dùng ghế dựa xoay ra biển, nhưng chiếc bàn nhựa rẻ tiền.

Hướng ra biển là những tấm bảng nhỏ ghi tên quán, tỉ dụ như quán tôi ngồi có tên Biển Đông, rồi tới quán Út Hoài, Trung Phương, Bãi Dài, Cam Hải… nói chung là tấm bảng đề tên quán để chứng tỏ chủ quyền bán buôn hơn là cho khách nhớ tên quán. Mỗi quán phân chia ranh giới bằng sợi giây giăng hoặc chiếc võng, khách có thể bước qua ranh giới một cách thoải mái mà không bị chủ quán cự nự. Tôi bước theo những bậc tam cấp của quán Biển Đông làm bằng bao cát lót từ triền cát xuống biển. T

hật bất ngờ khi nhìn thấy một lượng người dễ chừng cả ngàn người đang chen trong những quán tạm, bãi biển cũng rất đông người tắm biển, thậm chí có cả những người khách nước ngoài. Để kêu món ăn, chúng tôi tới những chiếc thau đựng chủ yếu là ghẹ và các loại ốc, còn cá và tôm, mực thì đã được đông lạnh. Chị Thùy chủ quán cho giá: Ghẹ 180 ngàn/ ký, mực cũng 180 ngàn/ ký… ai muốn ăn bao nhiêu bỏ lên cân, quán sẽ chế biến theo yêu cầu. Giá như thế gần bằng giá nhà hàng ở Nha Trang, nhưng ăn ở đây thật là vui dù rất thiếu tiện nghi, chẳng hạn phải tự đi lấy đá, tự kiếm chén đũa. Ngồi gần bên cạnh tôi là bốn bạn trẻ hai nam, hai nữ cho biết đây là lần thứ ba họ tới nơi này. Hiển, chàng thanh niên trong nhóm nói: “Tụi em từ trên Thành xuống đây, ăn ở đây vui hơn Dốc Lết nhiều, lại rất thoải mái.”

 Tôi đi một vòng các quán xá, thấy đủ thành phần tới đây vui chơi ăn uống, có nơi cả nhà già trẻ lớn bé cứ ngồi mua ít thức ăn của quán, mang theo nước uống, bánh mì coi như là một cuộc picnic. Trẻ con mặc sức đào cát mà chơi, vì nước biển ở đây rất nông, đi xa cả trăm mét cũng chỉ lưng chừng rốn. Các quán cũng rất linh động trong mọi dịch vụ giống như một resort: cho thuê đồ tắm, cho thuê phao, tắm nước ngọt. Có quán còn có cả mô tô nước, dẫu cả bãi biển chỉ có một cái.

Một chị chủ quán bảo tôi đừng nói tên chị trên báo cho biết đa phần ở đây là người Cam Hải, một số ở Cam Ranh ra kinh doanh theo kiểu gia đình, riêng chị sang mảnh đất khoảng 70 mét vuông này để kinh doanh hơn hai tháng nay với giá 120 triệu. Còn tiền thuế? Khi tôi hỏi chị vui vẻ trả lời: Địa phương thu vài trăm một tháng, nhưng khi có lệnh giải tỏa là chúng tôi phải dọn dẹp toàn bộ.

Chợ du lịch Bãi Dài còn có một mô hình khác mà không nơi nào có. Đó là sự sống chung hòa bình giữa quán xá và hàng rong. Quán không bán bánh tráng nướng mà nhường cho những người bán dạo với giá 10 ngàn/ ba cái. Thêm hai gánh đậu hủ đi dọc từ đầu chợ đến cuối chợ bán với giá 5000 đồng/chén. Bà cụ Chính bán đậu hủ dễ chừng đã 65 tuổi cười múc chén đậu cho tôi: “Nhờ ơn trời, từ ngày khách tới đây đông, bánn đậu tôi kiếm cũng được 100 ngàn/ngày.” Sự mưu sinh và tạo điều kiện lẫn nhau còn có chị Tâm bán ốc hút (một loại ốc nhỏ chỉ việc cầm hút) với giá 10.000 đồng/ chén, mấy cô bé bán đậu phọng luột 5000 đồng/lon hay một gói trứng cút luộc 10.000 đồng. Giá cả nhưng hàng ăn vặt ấy có nhích hơn so với trong thành phố, nhưng ai cũng vui vẻ mua trong không khí rất… chợ như thế.

Mô hình chợ du lịch ở Bãi Dài do những người dân quê tạo nên đã thực sự thành công với lượng khách đông. Chị Phan thị Linh đến từ TP.HCM khi đến Bãi Dài, chị bảo: “Tới đây thấy nhộn nhịp, ăn uống rất dã chiến những vui. Cái vui là cái hồn quán xá ở đây.”

Tôi quan sát bãi cát biển, khách ném đồ ăn xuống, chủ quán ngay tức khắc khi dọn bàn đã vội dọn sạch tất cả rác. Chị bảo: “Bãi biển này giúp mình kiếm cơm, mình phải giữ sạch.” Chỉ bao nhiêu đó thôi làm tôi liên tưởng đến những bãi biển khác cũng ở Khánh Hòa, khách du lịch xả rác, đơn vị làm du lịch cứ thản nhiên bỏ mặc khi lực lượng nhân viên rất nhiều.

Chỉ có điều quan ngại đôi chút về Chợ du lịch Bãi Dài này chính là vấn đề cứu hộ khi khách tắm biển, vấn đề khác là vệ sinh thực phẩm gần như không được giám sát. Nhưng dù sao, chợ du lịch Bãi Dài như một nét chấm phá sinh động về cách làm du lịch của người nông dân.

Leave a Reply