Đến với thành phố Nha Trang, chắc hẳn bạn sẽ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp quyến rũ nơi đây. Nhưng bạn có biết rằng vẻ đẹp ấy mang trong mình những câu chuyện truyền thuyết, những chuyện tình của gió và biển…ai thương ai oán. Chính những câu chuyện mang âm hưởng dân gian ấy đã tạo cho Nha Trang sức hấp dẫn vô cùng bặc biệt để rồi du khách gần xa khi đến rồi đi với Nha Trang có những kỷ niệm khó phai.
Biển và phố
Như hầu hết bạn bè của mình, tôi thích biển và khác với họ, tôi rất thích biển mùa đông. Cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa se lạnh tôi lại nghĩ đến việc tìm ra một duyên cớ nào đó để ra biển. Tất nhiên là chẳng cần có bất cứ một cái cớ nào đó vẫn có thể lên đường, nhưng nếu có một duyên cớ nào đó thì có lẽ chuyến đi sẽ thú vị hơn; mà thực ra cái duyên cái cớ có lý nhất trong mọi duyên cớ là: tự nhiên thấy thích, thế là đủ cho một chuyến đi của bất cứ ai, đến bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, trong bao lâu… thậm chí có thể là một bước rẽ của cuộc đời.
Mùa lạnh năm nay tôi về với Nha Trang. Bãi biển thân thuộc đây rồi. Như nỗi nhớ trong bài hát về biển của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bãi biển thưa vắng, điềm tĩnh, trầm lắng và đằm thắm. Không còn những ồn ào huyên náo, biển giống như những người bạn thân từ thời xưa cũ tìm về với nhau – ấm áp, chu đáo, nồng hậu. Thành phố biển xinh đẹp đang xây thêm nhiều cao ốc, khách sạn, nhà hàng mới; những nhà hàng khách sạn có từ trước cũng được sửa sang nâng cấp để trở nên sang trọng hơn. Nha Trang lung linh, lộng lẫy khi màn đêm buông xuống, thành phố lên đèn. Du khách châu Âu đi dạo khá đông, đặc biệt là rất nhiều người Nga đi du lịch cuối năm cùng gia đình; thời tiết Nha Trang tháng 12 thật ấm áp so với băng tuyết giá lạnh ở đất nước họ và giá cả hàng hóa cũng rất dễ dàng cho việc mua sắm. Mỗi lần đến là một lần thấy Nha Trang đẹp hơn mới hơn, nhưng chuyến đi này với tôi thực ra là một chuyến trở về nên tôi chỉ dành thời gian thăm lại người quen và những nơi xưa cũ rồi bất chợt cảm nhận ra những điều mới mẻ…
Hòn Chồng – kho truyền thuyết
Khác với bãi biển thênh thang cát trắng ở khu trung tâm, Hòn Chồng nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang có nét hóm hỉnh đặc biệt. Bãi biển ở khu vực Hòn Chồng là nơi giao duyên giữa biển và núi, nơi những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác như còn trong cơn ngái ngủ gối đầu lên nhau nghe sóng nước vỗ về. Núi, biển, cát, đá và sóng kề sát bên nhau tạo nên phong cảnh vừa như lãng đãng vừa như hữu tình. Bãi cát thoai thoải mịn màng mời gọi người ta hãy bỏ giày, bỏ dép, bỏ đi những vướng víu, để tận hưởng cái cảm giác khoan khoái dễ chịu khi gót chân trần chạm nền cát ấm và ẩm. Xa hơn chút nữa về phía biển, trên mấy mỏm đá có vài người đang thư thả buông câu chậm rãi dường như không cần biết đến thời gian. Chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về doanh nhân và người câu cá, biết đâu rằng được quăng đi chiếc đồng hồ để thong dong buông câu chẳng cần tính đếm thời gian lại là ước mơ của nhiều tỷ phú…
Với những tảng đá lớn nhỏ đã tồn tại hàng ngàn năm cùng sóng gió, Hòn Chồng còn hấp dẫn bởi một kho những sự tích huyền thoại. Điều kỳ lạ như trong chuyện cổ tích là Hòn Chồng có rất nhiều tảng đá lớn nhỏ nằm gối lên nhau hay tựa lưng đan xen vào nhau theo cái cách sắp đặt tinh nghịch đầy ngẫu hứng của thiên nhiên nhưng trải qua biết bao sóng to gió lớn theo năm tháng chúng vẫn giữ nguyên cái sắp đặt tự nhiên đó. Gần Hòn Chồng có một bãi đá uyển chuyển mềm mại như dáng vẻ người phụ nữ, dân nơi đây gọi đó là Hòn Vợ. Cùng với tên gọi là sự tích vọng phu của người vợ ngư phủ ngóng trông về phía biển khơi nơi người chồng đang lênh đênh trên con thuyền đánh cá mong manh giữa đại dương mịt mù giông bão.
Còn có một truyền thuyết lãng mạn về một chàng khổng lồ đã đặt chân đến vùng biển này để đào đá đắp núi tạo nên vịnh Nha Trang ngày nay. Một sáng sớm mai chàng trai ra biển thì gặp một đoàn tiên nữ đang nô đùa múa hát trên sóng, không muốn các tiên nữ giật mình bay về trời nên chàng bèn nấp sau những tảng đá lớn để ngắm xem. Nhưng quá mải mê nhìn, vô tình chàng xô ngã những tảng đá khiến chúng văng ra tứ phía hình thành bãi đá hiện nay. Trên một hòn đá lớn quay mặt ra biển vẫn còn một dấu tay lõm vào đá, tương truyền rằng đó là do chàng khổng lồ chống tay khi té ngã nên để lại dấu vết đó. Chuyện xưa không nói rằng chàng khổng lồ vụng về có khiến tiên nữ nào cảm động mà ở lại hay không nhưng chắc chắn là một kết thúc có hậu nên mới có vịnh biển xinh đẹp hôm nay.
Tuy địa hình gồm cả núi và biển nhưng Hòn Chồng vẫn thuộc nội thành Nha Trang và đang được đầu tư để thu hút du lịch. Trước đây muốn đến Hòn Chồng phải đi vòng vèo vượt qua đồi dốc, nay từ trung tâm thành phố chạy dọc con đường ven biển về hướng Đông Bắc, đi qua đồi La San và tòa nhà đại học Tôn Đức Thắng có kiến trúc khá hiện đại là đến khu danh thắng Hòn Chồng. Trong khuôn viên của khu danh thắng, Hội quán vịnh Nha trang được xây dựng trên một quả đồi theo lối nhà cổ xưa với những mẫu vật bằng gốm nung, trầm hương, tranh cát…giới thiệu với du khách về văn hóa Chăm và Việt. Từ chiếc sân rộng của Hội quán có thể đi xuống bãi đá Hòn Chồng qua một lối đi thơ mộng với những bậc thang lát đá dưới mái vòm cây xanh. Những bậc đá khác dẫn đến một quán café xinh xắn nằm sát ngay mép nước. Không gian tĩnh lặng như tách biệt hẳn với phố phường nhộn nhịp cách đó không xa khiến người ta chợt ước ao được ngồi đọc sách nơi đây. Dường như nơi đây còn thiếu một quán café sách nho nhỏ để hài hòa với không gian tri thức bên trong khuôn viên hội quán và phía ngoài kia là giảng đường của một trường đại học. Du khách nước ngoài và đặc biệt là khách Nga, những người có thói quen đọc sách cả trên tàu điện, đến Nha trang ngày càng nhiều; quầy cafe với kệ sách to hay một thư viện nhỏ cùng những cuốn sách tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Việt và Internet sẽ tạo nên nét duyên mới thu hút nhiều hơn những du khách trí thức đến với vịnh biển xinh đẹp này.
Tháp Bà PoNagar – ngôi đền của Mẹ
Chỉ cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc, Tháp Bà PoNagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao vài chục mét, dưới chân đồi là cửa sông Cái đổ ra biển. Mang đậm dấu ấn kiến trúc Hindu và cách thức xây dựng tháp của người Chăm từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 12, tổng thể kiến trúc của Tháp bà PoNagar gồm 3 tầng. Tầng thấp bắt đầu từ mặt đất có những bậc thang dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa là một nền gạch hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác gồm 10 cột có đường kính hơn 1 mét, cao hơn 3 mét và 12 cột nhỏ thấp hơn, có lẽ nơi đây trước kia là một tòa nhà rộng lớn với những cây cột vững chãi đỡ một vòm mái không kém phần hoành tráng, là nơi để khách hành hương nghỉ chân và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng các đền thờ ở tầng trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang xây bằng gạch cổ dẫn lên tầng trên cùng, những bậc thang này rất dốc và hẹp khá nên du khách ít sử dụng, chỉ vào dịp lễ hội những người Chăm đội lễ vật lên đầu sẽ đi trên những bậc thang xưa cũ này để dâng lễ lên tháp theo cách thức truyền thống. Lối đi thông thường của du khách là những bậc thang đá ong rộng và ít dốc hơn nằm ở phía nam khu tháp. Tầng trên cùng là các ngôi tháp được xây trên nền sân rộng rãi. Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác nhưng nay chỉ còn 1. Các ngôi tháp này được xây dựng theo cách của người Chăm, gạch xây khít mạch nhưng không nhìn thấy chất kết dính, thân tháp có tượng và phù điêu, đỉnh trụ trang trí hoa văn hình vòm, cửa tháp hướng về phía biển. Ngọn tháp cao lớn nhất là đền thờ Thánh Mẫu PoNagar; các linh thạch trụ linga được thờ trong những tháp nhỏ hơn. Theo truyền thuyết, nữ thần PoNagar (nguời Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được chọn làm thần bảo vệ đất đai và được thờ phụng cho tới ngày nay tại Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phan Thiết.
Không chỉ hấp dẫn bởi nét kiến trúc độc đáo của những tòa tháp cổ, Tháp Bà PoNagar đang hồi sinh lại nét văn hóa của người Chăm với những làn điệu ca múa sống động. Giữa không gian đượm màu xưa cũ của các tòa tháp, những vũ nữ người Chăm với làn da ngăm ngăm nắng gió xinh xắn trẻ trung say sưa trong vũ điệu khiến các du khách tóc vàng mắt xanh không thể rời mắt và cũng hào hứng nhún nhảy theo nhịp trống phách. Tất cả tạo nên một không gian rất Chăm và rất “charm”.
Chiều xuống, phía trước tòa tháp chính có một nhóm các bà, các cô, các chị đang cung kính làm lễ nguyện cầu thần nữ PoNagar. Họ gọi nữ thần là “Mẹ” và xưng “con” với lời khẩn cầu thật giản dị và quá đỗi thân thương. Dường như sau mỗi ngày vất vả mưu sinh, họ lại về đây giãi bày với Mẹ những nỗi niềm chưa nói hết, mong Mẹ chở che những ước nguyện đời thường. Bữa cơm chay cuối lễ cầu nguyện với những món chay thật ngon lành mang đủ hương vị của núi, của rừng, của sông, của biển…Chợt cảm nhận về chốn tâm linh nơi đây thật gần gũi không chút xa cách cao vời. Tháp Bà Thiên y Ana, ngôi đền thờ thần nữ PoNagar giống như ngôi nhà thân quen của Mẹ, để những người con, cả người Chăm cả người Việt, có một nơi để trở về, để cùng nhau ăn một bữa cơm đầm ấm, mong cầu Mẹ chở che để có thêm hy vọng và niềm tin đi tiếp hành trình…
Thành phố đang có thêm bao nhiêu công trình, cái đã hoàn thiện, cái còn dở dang như những dấu chấm hỏi, chấm than trong câu chuyện hiện đại chưa thể nói hết, chưa có hồi kết và không phải lúc nào cũng có hậu như cổ tích. Thật may mắn khi nơi đây vẫn giữ được nét xưa; câu chuyện du lịch ắt hẳn hay hơn nhiều khi có bóng dáng chàng khổng lồ và huyền thoại về thần nữ PoNagar cùng những người chồng và 38 nàng con gái.
Đêm đến, thành phố lên đèn, những ngọn đèn điện trên Tháp cũng bừng lên nhưng không quá rực rỡ phô trương mà chỉ đủ soi tỏa dịu dàng xuống dòng sông Cái và hắt lên nền trời quầng sáng ấm áp. Từ xa nhìn về, Tháp Bà PoNagar giống như ngôi nhà của Mẹ luôn chong đèn đón đợi những đứa con…